BLW khi con đi nhà trẻ

  1. Bé không chịu ăn đút

– Bé dưới 1 tuổi: Bạn hãy chuẩn bị một bình sữa thay thế, nếu bé không ăn thì có thể cho uống sữa bù. Đồng thời về nhà, bạn hãy tập cho con quen với ciệc được ăn đút, nếu bé không chịu, hãy cho bé tập dùng ống hút và nhờ cô giáo cho bé sử dụng ống hút.

Nếu bé chịu ăn đút ở nhà nhưng khi đi học lại không chịu ăn thì nguyên nhân có thể là do bé không quen với món ăn ở trường, trong thời gian ban đầu, bạn hãy gửi các món ăn quen thuộc với bé và nhờ cô cho ăn, đợi đến khi bé quen trường lớp thì dần dần giới thiệu các món ăn ở trường với bé.

– Nếu bé từ 1 – 1.5 tuổi: Thời gian ban đầu bạn có thể gửi hộp cơm cho trẻ mang đi đến trường và nhờ cô giáo bày hộp cơm ra cho trẻ vào giờ ăn trưa. Hãy thông báo trước với bé về kế hoạch của bạn. Đồng thời hãy kiên nhẫn chờ đợi đến khi con bạn xúc thìa tốt và không rơi vãi nhiều, lúc đó hãy đề nghị cô giáo cho bé tự xúc ăn.

– Nếu bé từ 1.5 tuổi trở lên: Nếu bé chưa xúc thìa tốt thì hãy làm như cách ở trường hợp các bé 1-1.5 tuổi. Nếu bé đã xúc thìa tốt hãy đề nghị cô cho bé xúc thìa, và ăn phần ăn giống các anh chị lớn. Hãy nhờ cô giáo không phải ép bé ăn hay phải xúc cho bé ăn hết bát.

Bạn cũng đừng lo lắng bị ăn đút như thế kỹ năng BLW của bé sẽ mai một , có thể bé sẽ bị chểnh mảng trong vài tháng đầu đi học, nhưng nếu mẹ vẫn cho bé luyện tập ở nhà và vào ngày cuối tuần, kiên quyết khi thấy con vi phạm kỷ luật bàn ăn và luôn nhất quán thì bé chắc chắn sẽ hiểu ra vấn đề.

  1. Bé không chịu ăn

Trong thời gian con không chịu ăn khi ở trường, bạn hãy cho con ăn no vào bữa sáng và chuẩn bị sẵn bánh quy hoặc sữa hoặc bất kỳ loại thức ăn nhẹ nào mà bé vẫn thích ăn  và nhờ cô cho bé ăn khi bé cảm thấy bé quá đói. Hãy nhờ cô đừng ép bé ăn vì điều đó càng khiến bé sợ hãi. Bạn hãy đến đón con sớm một chút những ngày đầu bé đi học, thưởng cho bé bằng món ăn để bé vừa không bị đói vừa cảm thấy sự tích cực khi được đi học.

Khi về nhà, có những bé sẽ lao vào ăn rất nhiều, nhưng có những bé sẽ ăn kém hơn nhiều, bạn hãy cố gắng động viên, chế biến các món ăn ngộ nghĩnh.

  1. Bé không chịu tự ăn

Nếu bé đã biết xúc thìa gọn gàng, bạn cần phải cứng rắn yêu cầu cô giáo cho con tự xúc ăn,

Khi ở nhà, bạn có thể chấp nhận đút cho bé trong tuần đầu tiên, siết chặt kỷ luật với 4 lần cơ hội vào tuần thứ 2, giảm dần số lần cơ hội vào các tuần tiếp theo. Quan trọng là luôn kiên trì và nhất quán.

  1. Bé bỗng nhiên không xúc mà chỉ bốc bằng tay dù đã xúc rất thành thạo

Đây là một cách để bé phản kháng việc mình bị “buộc” phải làm quen với môi trường. Dù ở trường hay ở nhà, hãy cho bé thả lỏng trong khoảng 2 tuần đầu tiên và sau đó khuyến khích bé cầm thìa trở lại. Trên thực tế , với những trường hợp này chỉ cần bé đã thích nghi được và đã hòa nhập với các bạn thì bé sẽ tự động cầm thìa xúc ăn.

  1. Kỷ luật bàn ăn tột dốc

Bạn hãy luôn hỏi cô giáo về tình trạng kỷ luật bàn ăn của trẻ mỗi ngày, đề nghị cô uốn nắn trẻ bằng quy tắc “3 cơ hội” sau khi trẻ đã quen với trường lớp và không sợ cô.

Ở nhà bạn hãy nghiêm khắc và kiên quyết.

  1. Không chịu ăn các đồ lỏng, sệt

Bạn có thể gửi cô giáo một chiếc ống hút để bé thử hút thức ăn xem bé có thích không, hoặc bạn có thể chuẩn bị trước một món đồ ăn nhẹ để thay thế cho món súp hoặc món cháo. Còn lại là kiên nhẫn và chờ đợi.

Ở nhà bạn hãy giới thiệu các món ăn lỏng sệt, nhuyễn trong bữa ăn hàng ngày của bé. Tuy nhiên hãy tôn trọng bé để bé lựa chọn xem có ăn hay không.

  1. Cô giáo cố gắng đẻ trẻ ăn hết suất bằng cách đút cho trẻ, để trẻ ăn rong…

Hãy đảm bảo với nhà trường và cô giáo về việc bạn muốn trẻ ăn thoải mái, ăn theo nhu cầu và ngồi vào bàn ăn tự lập hơn là tập trung vào cân nặng của bé.

  1. Lịch ăn quá dày hoặc chế độ ăn thiếu cân đối

Một số trường hiện nay cũng thực hiện thực đơn với quá nhiều thực phẩm chứa ngũ cốc và đạm, khiến hệ tiêu hóa của trẻ quá tải, no lâu và không còn cảm giác đói khi ăn bữa tối. Bạn có thể yêu cầu giáo viên cắt bớt 1 bữa sữa ở trường, thay bằng một hộp sữa chua nhỏ hoặc thực phẩm cung cấp ít calo hơn.

(Trích cuốn: “Ăn dặm không phải là cuộc chiến”)