Bé không biết ăn cơm là tại cha mẹ!!

Khi nhỏ thấy con ăn hay nôn, ọe, chị Trầm thường xay nhuyễn mọi thứ cho bé. Đến khi cu Bin hơn 3 tuổi, cho con đi học, chị Trầm mới lo lắng khi thấy tất cả các bạn trong lớp đều ăn cơm, mà con mình không thể nhai được miếng nào.

Chị Trầm (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, cu Bin, con trai chị hiện giờ đã được 40 tháng tuổi nhưng vẫn chưa biết ăn cơm. Hồi bé, Bin hay ói nên chị thường phải xay nhuyễn mọi thứ, từ cháo, thịt, rau, đến hoa quả rồi mới dám cho con ăn. Khi Bin được 2 tuổi, chị cũng tập cho con ăn cơm, nhưng cu cậu nhất định nhè ra, có khi còn nôn ọe. Thấy vậy, chị Trầm lại tiếp tục cho con ăn cháo như cũ với ý nghĩ: “Thôi, con ăn gì cũng được, cốt là đủ chất. Sau này lớn, chán cháo, tự khắc sẽ thích ăn cơm”.

Vừa rồi, khi con bắt đầu đi học, chị Trầm mới té ngửa khi biết, ở lớp mẫu giáo của con, các cô chỉ cho ăn cơm chứ không ăn cháo nữa. Vì thế, trong khi tất cả các bạn khác ngồi xúc cơm ngon lành thì cậu con trai chị phải đánh vật nhai nhệu nhạo vài miếng rồi lại nôn ra, khóc lóc đòi về. Chị phải xin với cô cho cháu được ăn cháo một thời gian và nhờ cô rèn cho con tập ăn cơm.

Nhiều trẻ ăn cháo rất thụ động vì khẩu vị nhàm chán. Ảnh: Hoàng Hà.
Nhiều trẻ ăn cháo rất thụ động vì khẩu vị nhàm chán. Ảnh: Hoàng Hà.

Cũng có cậu con trai gần 3 tuổi mà vẫn chỉ ăn được cháo xay, chị Nhung (Từ Liêm, Hà Nội) lo lắng khi thấy con còi hơn hẳn các bạn cùng lứa.

Chị Nhung cho biết, vì bận công việc nên mọi việc cho con ăn uống đều do bà giúp việc đảm nhiệm. Để thuận tiện, mỗi ngày, chị thường nấu sẵn một nồi cháo trắng, rồi chuẩn bị các loại thức ăn như tôm, cá, thịt… để trong tủ lạnh, trước mỗi bữa, bà giúp việc chỉ cần trộn thức ăn vào cháo rồi đun nóng lên cho bé.

Gần đây, nghe bà giúp việc nói cu cậu lười ăn hơn, chị thử mua vài loại thuốc, thực phẩm chức năng kích thích ăn uống cho con nhưng thấy tình hình cũng không cải thiện. Tuần trước, khi cho con đi tiêm chủng, lúc cân, thấy con nửa năm vẫn chẳng lên được lạng nào, lại còi hơn hẳn các bạn cùng tuổi, chị mới cho cháu đi khám dinh dưỡng. Khi nghe bác sĩ hỏi: “Ngày bé ăn được mấy chén cơm”, chị ấp úng cho biết con vẫn ăn cháo xay và bị mắng ngay.

Nghe bác sĩ dẫn chứng một trường hợp bé 4 tuổi vẫn ăn mọi thứ xay, rồi không nhai bất cứ thứ gì, bây giờ, đi học cũng không cô giáo nào nhận, chị Nhung mới hốt hoảng và quyết tâm rèn cho bé ăn cơm.

“Bây giờ mình đang vất vả rèn cho con ăn cơm, hôm nào hai mẹ con cũng đánh vật với nhau”, chị Nhung thổ lộ.

Hiện nay, không ít trẻ, nhất là ở thành phố thường được cho ăn cháo quá lâu.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết, trẻ 3 tuổi mà vẫn chưa ăn được cơm là quá muộn và điều này không tốt cho sự phát triển của các cháu.

Bà cho rằng, ăn cháo quá lâu, với những hương vị na ná như nhau sẽ khiến trẻ chán, biếng ăn, dẫn đến suy dinh dưỡng, còi cọc. Hơn nữa, việc chỉ ăn các thực phẩm được xay nhuyễn liên tục làm cơ nhai của trẻ không phát triển, khiến các bé khó khăn khi hòa nhập với môi trường nhà trẻ cũng như dễ bị giảm cân giai đoạn mới nhập học.

Theo bà Lâm, nên tập cho trẻ ăn cơm từ khi các bé dưới 2 tuổi – khi trẻ đã mọc được nhiều răng – với cách thức chuyển dần từ ăn cháo sang cơm nát, cơm dẻo, đến cơm thường như người lớn. Để giúp trẻ dễ ăn hơn, cần chế biến đa dạng các loại thức ăn, rau mềm, để bé ăn cùng cơm. Ngoài ra, mẹ có thể tập phản xạ nhai cho con bằng cách cho bé ăn thêm các loại bánh dinh dưỡng, giòn, tan nhanh.

“Nhiều trường hợp các mẹ phàn nàn rằng con không chịu ăn cơm, nhưng khi hỏi tới thì nguyên nhân lại do mẹ chưa biết cách chế biến thức ăn phù hợp. Nhiều người ngại kỳ công, nên người lớn ăn gì, cho trẻ ăn nấy, khiến bé khó nhai, khó nuốt, và sợ cơm”, bà Lâm nói.

Bà cho rằng, ban đầu, người mẹ cần hướng dẫn con cách nhai, có thể biến việc này thành một trò chơi, chẳng hạn: Mẹ xúc thức ăn và chậm rãi nhai, rồi miêu tả cho con biết món ăn ngon, ngọt như thế nào, “dụ” con làm theo, không quát mắng hay giục giã trẻ. Trong thời gian đầu, nếu trẻ tỏ ra không thích ăn cơm hay ăn được ít, mẹ cũng không nên sốt ruột, hãy dần dần mỗi hôm một chút, và nếu sợ không đủ năng lượng cho con, nên nấu thêm cháo cho bé ăn bổ sung, nhưng hãy nhớ cho bé ăn cơm vào lúc đói, và nếu cần thì cho ăn cháo sau.

Học tập kinh nghiệm các bà nội trợ Nhật tập cho con ăn cơm từ khi khoảng một tuổi – thời điểm trẻ rất thích cho đồ vào miệng nhai – gần đây, nhiều bà mẹ Việt cũng áp dụng cho con ăn cơm sớm.

Chị Thành (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, khi xem trên một diễn đàn chăm sóc trẻ, thấy một mẹ người Việt sống tại Nhật chía sẻ kinh nghiệm cho con ăn cơm từ lúc mới 9 tháng tuổi, chị đã thử áp dụng với bé gái của mình. Khi bé được 11 tháng, thấy con có vẻ lười ăn cháo, chị chuyển sang nấu cơm mềm, hơi ướt và chế biến riêng các món thức ăn mềm, hấp dẫn cho bé. Chị cho cơm và 2-3 loại thức ăn, rau vào một chiếc bát đẹp, nhiều màu sắc rồi cho con ngồi vào ghế ăn. Cứ thế, chị để cho bé được bốc cơm và thức ăn vào miệng, trong khi mẹ ngồi cạnh đút thêm cho con.

“Khi cho con ăn cơm sớm, mẹ cũng phải chịu khó hơn, nghĩ ra nhiều món khác nhau mà bé có thể ăn được. Trộm vía, sau một thời gian thì giờ con mình ăn cơm tốt rồi”, chị Thành chia sẻ.

Về điều này, tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm cho rằng, việc cho trẻ ăn cơm quá sớm cũng không thực sự tốt. “Khi trẻ trên dưới 1 tuổi thì mới có 6-8 răng, chưa thể nhai được cơm và thức ăn nhỏ. Trong khi, khi thực phẩm phải được nhai đủ nhỏ, thì men nước bọt mới phát huy tác dụng cho thức ăn được tiêu hóa tốt khi vào đến dạ dày”, bà Lâm giải thích.
(ST)